Giải pháp để khai thác hiệu quả nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đơn giản
Trước hết, phân định rõ trên cơ sở tách biệt quyền và trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài sản giữa cơ quan Nhà nước với đơn vị SNCL. Các cơ quan Nhà nước
Tài sản Nhà nước (TSNN) là một trong những nguồn nội lực quan trọng nhưng chưa được khai thác, động viên đầy đủ để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Những cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện đã được định hình song hiệu quả tới đâu thì vẫn phải chờ câu trả lời từ thực tiễn.
Đã biến chuyển
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN do Bộ Tài chính quản lý, hiện nay, đất đai do các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng chiếm tới 76,2% tổng giá trị TSNN (1,5 tỷ m2) với tổng giá trị gần 594.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các DNNN cũng đang quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất có diện tích lớn nằm tại các vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao.
Để khắc phục được tình trạng chưa khai thác hiệu quả cũng như sử dụng lãng phí, không đúng mục đích đồng thời tiết kiệm nguồn lực tài chính từ quỹ nhà, đất phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính như sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch; cơ chế tài chính về đất đai đối với đơn vị SNCL tự chủ tài chính; chính sách về nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.
Với những chính sách này, việc quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ nhà, đất tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị SNCL, DNNN đã có bước chuyển quan trọng với những lợi ích có thể nhìn thấy. Đó là: Tạo nguồn tài chính để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới, đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh cho DN; bổ sung nguồn lực tài chính cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công…
Vẫn còn tồn tại
Tràng Tiền Plaza trước kia do DN Nhà nước quản lý khai thác không hiệu quả.
Tuy đã được cải thiện, song việc khai thác nguồn lực tài chính từ TSNN vẫn vấp phải những tồn tại cố hữu chưa được giải quyết. Đó là sự chậm chạp, đối phó trong quá trình sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất ở nhiều cơ quan, đơn vị hay việc quy hoạch sử dụng đất chậm được công bố công khai, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời; cản trở các đối tượng có nhà, đất sắp xếp lại hoặc di dời tiếp cận thực hiện các thủ tục để được giao đất hoặc cho thuê đất, làm cơ sở để chủ động lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới, phục vụ di dời cơ sở cũ.
Cụ thể hơn, tại các cơ quan Nhà nước, có thể thấy việc sắp xếp, xử lý nhà, đất vẫn chưa bao quát hết đối tượng quản lý, sử dụng; chưa thực sự tạo được động lực cho các cơ quan phân phối một cách hợp lý nguồn lực tài chính có được từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước giữa đơn vị đang quản lý, sử dụng nhà, đất và ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Cơ chế quản lý đất đai tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được khai thác triệt để. Với diện tích nhà, đất lớn lại được tự chủ tài chính theo chính sách đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý tài sản của Nhà nước song hiện tại, ngoài một số ít đơn vị nộp tiền thuê đất do có sử dụng đất vào mục đính sản xuất kinh doanh thì tất cả các đơn vị SNCL vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền.
Trong khi đó, việc chuyển đổi công năng của tài sản trên đất và mục đích sử dụng đất của các TĐ, TCT Nhà nước không theo kịp sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và phương thức sản xuất kinh doanh khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhất là ở các ngành lương thực, thực phẩm, nội thương, cơ khí, quốc phòng, công an…
Điều đó tất yếu dẫn đến hiệu quả khai thác quỹ đất thấp, thậm chí bỏ trống, cho thuê, bị lấn chiếm; phát triển kinh doanh, dịch vụ không gắn kết với quy hoạch sử dụng đất gây ra tình trạng nơi thừa đất, nơi thiếu đất hoặc gây ra ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…
5 giải pháp lớn
Với chủ trương chú trọng việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên và công sản ngày càng chặt chẽ, đi vào nề nếp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2174/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và TSNN phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020”. Trong đó, 5 giải pháp lớn để khai thác nguồn lực tài chính từ TSNN đã được nêu rõ.
Trước hết, phân định rõ trên cơ sở tách biệt quyền và trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài sản giữa cơ quan Nhà nước với đơn vị SNCL. Các cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, xây dựng, bố trí theo tiêu chuẩn, định mức quy định, có sự theo dõi, cập nhật, điều chỉnh phù hợp với thực tế biến động về nhu cầu sử dụng TSNN, khả năng kinh phí, tình hình kinh tế của đất nước và tiến tới hình thành các khu hành chính tập trung. Các đơn vị SNCL đã tự chủ tài chính toàn bộ hoạt động như DN thì chuyển từng bước từ cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất hiện nay sang thuê đất theo nguyên tắc giá thị trường để tạo lập sự chủ động, minh bạch trong hạch toán dịch vụ công.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác sắp xếp lại đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch phải thực hiện di dời; tăng cường nhận thức và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo sớm hoàn chỉnh và công bố công khai quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện; tạo nên quỹ nhà, đất dôi dư để bố trí, sử dụng theo quy hoạch của địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan theo hướng tạo động lực khuyến khích đối tượng thuộc diện phải sắp xếp, di dời và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong quá trình thực hiện.
Tại các tập đoàn, tổng công ty, thực hiện sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất trong quá trình tái cấu trúc theo nguyên tắc nắm chắc và đầy đủ quỹ nhà, đất hiện do các DN này quản lý, sử dụng để làm cơ sở cho việc bố trí lại quỹ đất phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động theo hướng tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu thương mại…
Quỹ nhà, đất dôi dư sau khi bố trí, sắp xếp lại thì cho phép bán, chuyển nhượng để hỗ trợ, tạo vốn tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Đối với quỹ nhà, đất dôi dư không được sử dụng hợp lý, có hiệu quả thì thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao cho địa phương để phục vụ cho lợi ích công cộng theo quy hoạch.
Số đất đai do các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng cũng sẽ được đẩy mạnh rà soát, xử lý theo Nghị quyết 28-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê. Nếu người đang thuê không có nhu cầu mua thì thực hiện cải tạo, nâng cấp và tiếp tục cho thuê theo giá đảm bảo bù đắp chi phí.
Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những tồn tại của công tác quản lý, sử dụng TSNN, bổ sung nguồn lực tài chính, hỗ trợ ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế như hiện nay./.
Leave a Reply